Theo Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp tháng 2/2020 ước tính tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày sản xuất trong tháng 2 năm nay nhiều hơn. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp, nên tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Tháng 2/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 23,7% so với tháng trước chủ yếu do tháng 1 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nên số ngày làm việc ít hơn tháng 2.
Ngành Chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất, với tốc độ tăng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 7,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,4% của cùng kỳ năm trước; ngành Khai khoáng giảm 3,7% ; ngành Sản xuất và phân phối, điện, khí đốt, nước chỉ tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 9,3%); ngành Cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9% (cùng kỳ tăng 6,4%).
Dệt may là một trong những ngành chịu tác động lớn do dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 2 tháng đầu năm tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Than sạch tăng 10,3%; xăng dầu các loại tăng 8,3%; thép thanh, thép góc tăng 28,8%; điện thoại di động tăng 25,5%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 8,9%. Tuy nhiên, một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Dầu thô khai thác giảm 6,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9%; khí hóa lỏng LPG giảm 6%; sắt, thép thô giảm 4,7%; ô tô giảm 11,5%; ti vi giảm 16,1%; bia các loại giảm 9,9%...
Theo các chuyên gia, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sang quý II sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên phụ liệu của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Còn theo Bộ Công Thương, ngành Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 2 tháng đầu năm tăng 13,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành này cũng đã và đang chịu tác động lớn bởi vấn đề thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia đang bùng phát dịch bệnh. Các sản phẩm của ngành Công nghiệp điện – điện tử (trong đó bao gồm điện thoại và ti vi) là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc. Do đó, các biện pháp kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành Điện tử Việt Nam.
Riêng đối với ngành Thép, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nhìn chung về cơ bản không chịu ảnh hưởng. Nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc chủ yếu thực hiện bằng đường biển (một số ít qua đường bộ tại cửa khẩu Lào Cai), nên cơ bản nguồn cung không bị ảnh hưởng. Mặt khác, do các chính sách chống lẩn tránh thuế đối với mặt hàng thép có xuất xứ từ Trung Quốc của EU và Mỹ, nên các doanh nghiệp nhập khẩu thép làm nguyên liệu sản xuất hiện nay không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, mà nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga...